Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_tấn_công_Kirovograd

Quân đội Liên Xô

Phương diện quân Ukraina 2 huy động cả sáu tập đoàn quân có trong biên chế vào chiến dịch. Trong đó, mũi tấn công chủ yếu ở cánh trái gồm 1 tập đoàn quân xe tăng và 2 tập đoàn quân bộ binh. Hướng thứ yếu có 2 tập đoàn quân bộ binh:[4]

  • Tập đoàn quân cận vệ 5 của trung tướng A. S. Zhadov gồm 3 quân đoàn bộ binh cận vệ và 1 lữ đoàn cơ giới có nhiệm vụ tấn công từ Znamenka dọc theo phía Bắc đường sắt Znamenka - Kirovograd; không nhằm thẳng vào Kirovograd mà đi vòng qua phía Bắc thành phố đến Shestakovka.
  • Tập đoàn quân cận vệ 7 của trung tướng M. S. Sumilov gồm 2 quân đoàn bộ binh cận vệ, một lữ đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo tự hành có nhiệm vụ tấn công dọc theo phía Nam đường sắt Znamenka - Kirovograd; cũng không vào thành phố mà đi vòng qua phía Nam, hợp điểm với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 tại Shestakovka.
  • Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của trung tướng P. A. Rotmistrov được chia làm đôi. Quân đoàn xe tăng cận vệ 6 phối hợp tác chiến trên hướng của Tập đoàn quân cận vệ 7. Quân đoàn xe tăng cận vệ 18 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 phối hợp tác chiến trên hướng của Tập đoàn quân cận vệ 5. Quân đoàn xe tăng cận vệ 19 và Trung đoàn pháo chống tăng 689 làm lực lượng dự bị.
  • Tập đoàn quân cận vệ 4 của trung tướng I. V. Galanin gồm 2 quân đoàn bộ binh đánh đòn bổ trợ vào Kamenka.
  • Tập đoàn quân 53 của trung tướng I. M. Managarov gồm 2 quân đoàn bộ binh có nhiệm vụ tấn công Fedvar (???) và Kanizh, yểm hộ cho cánh trái Tập đoàn quân cận vệ 4.
  • Tập đoàn quân 52 của trung tướng K. A. Koroteev gồm 2 quân đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn xe tăng có nhiệm vụ phòng thủ vững chắc tại bàn đạp Cherkasy, sử dụng cánh trái vượt sông Tyasmin, đánh chiếm Medvedovka và nếu có thời cơ thì đánh chiếm luôn Smela.
  • Tập đoàn quân không quân 5 sử dụng tối đa lực lượng hiện có để yểm hộ cho các cuộc tấn công trên mặt đất theo yêu cầu trực tiếp của tư lệnh các tập đoàn quân.

Ngày 2 tháng 1, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao phê chuẩn kế hoạch tấn công của Phương diện quân Ukraina 2 và yêu cầu tướng I. S. Konev "không được sử dụng các quân đoàn xe tăng cận vệ 1, 7 và 20 vào chiến dịch này mà phải giữ lại cho các kế hoạch hành động sau đó". Để bảo đảm ưu thế vượt trội trên hướng tấn công chính, Phương diện quân Ukraina 2 tập trung 1080 khẩu pháo trên chính diện tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 5, nâng mật độ pháo binh tại khu vực này lên đến 120 khẩu/1 km chính diện. Việc tập trung binh lực ở cánh Bắc Kirovograd đạt tỷ lệ 5:1 về người, 2:1 về pháo và 7:1 về súng cối. Ở cánh quân Đông Nam Kirovograd, tỷ lệ so sánh binh lực của Quân đội Liên Xô với Quân đội Đức Quốc xã cũng đạt 3:1 về người, 8:1 về pháo và 7:1 về súng cối.[5]

Quân đội Đức Quốc xã

Tập đoàn quân 8 (Đức) do thượng tướng Otto Wöhler là đơn vị đối diện trực tiếp với Phương diện quân Ukraina 2 (Liên Xô) trên hướng Kirovograd. Do Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã chuyển trọng tâm lên phía Bắc, Tập đoàn quân 8 phải bố trí lại binh lực trên toàn tuyến. Binh lực gồm có:

  • Quân đoàn xe tăng 47 do trung tướng xe tăng Nikolaus von Vormann chỉ huy được rút từ Kremenchuk về đóng tại khu vực Kirovograd từ đầu tháng 1 năm 1944.[6] Trong biên chế chỉ còn lại các sư đoàn bộ binh 106, 167, 282 và 320.
  • Quân đoàn bộ binh 11 do trung tướng Wilhelm Stemmermann chỉ huy đóng tại khu vực Cherkasy.[7] Trong biên chế có các sư đoàn bộ binh 72, 57, Lữ đoàn pháo tự hành SS "Wallon" và Sư đoàn xe tăng 5 SS "Viking".
  • Quân đoàn xe tăng 3 của trung tướng xe tăng Hermann Breith đóng tại khu vực "Vòng cung Dniepr".[8] Trong biên chế còn lại các sư đoàn xe tăng 10, 11, 14 và sư đoàn bộ binh 376. Các sư đoàn xe tăng còn lại của quân đoàn này bị điều động đi các hướng khác: Sư đoàn xe tăng 3 chuyển thuộc Quân đoàn xe tăng 48 (Tập đoàn quân xe tăng 4), Sư đoàn xe tăng 6 được rút về làm lực lượng dự bị của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) tại Vinitsa.
  • Sư đoàn an ninh quân đội 444 trực thuộc Bộ tư lệnh Tập đoàn quân.

Tập đoàn quân 8 (Đức) bố trí phòng ngự thành hai tuyến. Tuyến đầu trên tiền duyên có từ 3 đến 5 lớp rào, các bãi mìn chống tăng, mìn chống bộ binh, 3 tuyến chiến hào để vận động bộ binh, cứ 2 km có một trận địa pháo chống tăng, các xe tăng được đặt âm trong các ụ đất, có thể dễ dàng thực hiện các chiến thuật phòng thủ tại chỗ hoặc cơ động ứng cứu tại các cửa đột phá. Tuyến trong cách tiền duyên từ 6 đến 8 km chủ yếu gồm pháo chống tăng, pháo binh và bộ binh với trang bị yếu hơn tuyến đầu. Khu vực Kirovograd được cấu trúc thành cụm cứ điểm phòng ngự mạnh. Tại đây có Sư đoàn an ninh quân đội 444, sư đoàn bộ binh 167, các trung đoàn bộ binh 544, 546 và 767. Thế bố trí của Tập đoàn quân 8 (Đức) cũng không cân bằng. Chủ lực xe tăng nằm ở hướng Cherkasy. Trên địa đoạn Krasnoselya (Bắc Kirovograd) và Vershino-Kamenka (Đông Nam Kirovograd) hầu như không có xe tăng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Kirovograd http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/06.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/02.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/15.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/devyatyarov_aa... http://militera.lib.ru/memo/russian/konev/03.html http://militera.lib.ru/memo/russian/rotmistrov2/05... http://militera.lib.ru/memo/russian/zhadov_as/05.h...